✅ Postman là gì?
✅ Tại sao dùng Postman
✅ Các tính năng chính trong Postman
✅ Cài đặt Postman để kiểm thử API
✅ Postman là gì?
Postman là một nền tảng API để xây dựng và sử dụng API. Postman giúp đơn giản hóa từng bước trong vòng đời API và hợp lý hóa hoạt động cộng tác để bạn có thể tạo các API tốt hơn—nhanh hơn.
Nguyên văn của nó tự nói luôn nè: Postman is an API platform for building and using APIs. Postman simplifies each step of the API lifecycle and streamlines collaboration so you can create better APIs—faster.
(https://www.postman.com/)
Postman trước đây là một trong những công cụ được sử dụng để kiểm thử API thủ công. Nó bắt đầu vào năm 2012 như một dự án phụ của Abhinav Asthana để đơn giản hóa quy trình làm việc API trong kiểm thử và phát triển. Nhưng hiện tại ai dùng từ Postman là công cụ là chưa đúng lắm nhe, phải gọi chính xác là nền tảng, vì không chỉ có một công cụ hay một cái tools đâu 😁 (thì cái thằng owner nó nói vậy mà)
Yeah nhưng sau này gọi nhanh là "Postman" đi cho tiện nhe, khỏi công cụ hay nền tảng gì hết mệt quá =))
Nếu API chịu trách nhiệm tạo ra các kết nối giữa những ứng dụng khác nhau, thì Postman sẽ chịu trách nhiệm giúp cho thao tác của người dùng với API trở nên dễ dàng hơn. Thông thường, Postman sẽ được dùng cho API kiểu REST. Postman có thể dễ dàng gọi REST mà không cần tạo code như cách truyền thống.
Postman còn chịu trách nhiệm cho rất nhiều thao tác phát triển phần mềm như test, chạy thử, rà lỗi, cung cấp các đoạn code tự động cần thiết… Nhìn chung, lợi ích mà Postman mang lại là rất nhiều.
Đặc biệt Postman tương thích với hầu hết các giao thức HTTP, bao gồm: GET, POST, PUT, PATCH và DELETE… Cấu tạo của Postman hướng đến sự linh động. Postman có sẵn nhiều phiên bản cho các hệ điều hành và môi trường khác nhau. Đó cùng là điểm khiến nó trở nên phổ biến hơn.
Có bản miễn phí và trả phí, chúng ta dùng bản miễn phí cũng ok rồi 😁
✅ Tại sao lại sử dụng Postman?
Hiện nay năm 2023 thì Postman có khoảng 25 triệu người dùng (vào trang chủ thấy liền ý mà) và đã trở thành một trong những công cụ hàng đầu được lựa chọn vì những lý do sau:
- Khả năng truy cập - Để sử dụng Postman, người ta chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của chính họ để dễ dàng truy cập các tệp mọi lúc, ngay cả trên môi trường web và ứng dụng trên máy tính.
- Đa dạng loại test: Postman hỗ trợ nhiều loại test như integration tests, regression tests, functional tests, mock tests, end-to-end tests.
- Ứng dụng đa nền tảng: Postman online để có thể dùng trên bất cứ trình duyệt nào và cả ứng dụng cài đặt trên máy cho Windows, MacOS, Linux.
- Báo cáo: Postman tích hợp sẵn các loại báo cáo về các API đang sử dụng như: Thống kê số lượng API, số lượng workspace, đo lường thời gian cũng như tần suất xử dụng các API theo thời gian, tổng hợp thông tin về thời gian phản hồi và kích thước các response, số lượng test thành công, thất bại theo thời gian ...
- Phù hợp với tester ở mọi level: Người mới trong API testing có thể sử dụng cấu hình trực quan của Postman để sử dụng và test, với những người đã có kinh nghiệm thì có thể sử dụng script test để làm việc. Chúng ta có thể dùng Newman để tự tích hợp với CI/CD pipeline của mình.
- Test tự động và tích hợp liên tục (CI): Postman cung cấp công cụ cho phép chúng ta viết các script test và thực thi chúng một cách tự động theo thời gian đặt trước, hoặc có thể tích hợp những script test đó vào trong CI/CD pipeline.
Nhược điểm của Postman
Cũng giống như các ứng dụng công nghệ khác, Postman có những nhược điểm riêng. Hạn chế của Postman là không phải cái gì cũng miễn phí. Rất nhiều tính năng quan trọng bị giới hạn và bạn chỉ có thể sử dụng khi mua các gói trả phí. Tuy nhiên đây cũng không phải là hạn chế quá lớn. Thường các gói này không quá đắt. Hơn nữa, một dự án phát triển phần mềm sẽ không thiếu chút chi phí này để tối ưu hóa quá trình xây dựng.
✅ Chức năng chính của Postman
- API repository: Là nơi chứa tập trung thông tin về các API. Qua đó, chúng ta có thể phân loại, viết đặc tả, viết tài liệu hướng dẫn sử dụng, tạo ra các luồng thực thi, viết test case, test result... và cộng tác với những đồng nghiệp khác trên một nền tảng duy nhất.
- API tools: Là tập hợp các công cụ khác nhau cho phép cả nhóm làm việc trên toàn bộ vòng đời của API từ bước thiết kế, kiểm thử, viết tài liệu hướng dẫn sử dụng, giả lập dữ liệu, chia sẻ, và khám phá các API trong API repository.
- API collaboration: Với Postman, chúng ta có thể tạo ra các workspace khác nhau và phân quyền cho những workspace đó cho những đối tượng sử dụng khác nhau như: chỉ cá nhân, chỉ trong nhóm, chỉ cho đối tác hay cho toàn bộ thế giới truy cập vào API của chúng ta.
- API governance: Là tập các tính năng giúp chúng ta quản lý các API của mình dựa trên việc thiết lập các quy tắc cần tuân theo khi tạo và chạy API. Và dựa trên các báo cáo được tính hợp, chúng ta nhanh chóng biết được những API nào chưa được test, hay chưa được viết tài liệu...
- API Integrations: Postman được tích hợp với đa số các hệ thống mà chúng ta sử dụng hàng ngày trong quá trình phát triển phần mềm như: CircleCI, GitLab, Jenkins...
🔆 Các chức năng thể hiện chi tiết hơn như:
- Cho phép gửi HTTP Request với các method GET, POST, PUT, PATCH và DELETE. (ngoài ra còn HEAD và OPTIONS)
- Người dùng có thể post dữ liệu dưới dạng text, form, json…
- Kết quả hiện thị và trả về có thể dưới dạng JSON, HTML, XML, Text, và chế độ Auto
- Có thể hỗ trợ xác thực Authorization với nhiều loại và truyền Params vô tư thoả thích
- Có thể thực hiện thay đổi Header của các request dễ dàng
- Có thể viết Test Script để xác thực kết quả sau khi send request (code Javascript nhưng cũng dễ thôi)
- Cái hay là có thể chạy toàn bộ test cases thông qua Collections và có thể thực thi tự động chúng.
- Có thể thiết lập Environment riêng để chạy với từng bộ data
- Có thể chia sẻ các Collections (bộ test cases) cho người khác qua mail dễ dàng và export chúng ra file
- Cùng hợp tác làm việc trên nhiều bộ Collections (cùng viết test cases API chung realtime) và chia ra dạng Workspace để rõ ràng hơn cho từng dự án và teams.
- Cái mới năm 2023 là có tính năng Postbot để đặt câu hỏi tự động generate các tính năng liên quan đến test cases
✅ Cài đặt Postman
Trước tiên các bạn cần tạo tại khoản người dùng miễn phí tại đây https://www.postman.com/ xong nhấn Sign In hoặc Sign Up for Free. Góp ý là nhấn Sign in với tài khoản Gmail luôn cho tiện khi học.
Sau đó các bạn truy cập vào link này https://www.postman.com/downloads/ là thấy nút Download to đùng rồi, click tải về cài trên máy tính thôi.
Mặc định nó phát hiện được nền tảng máy tính An đang dùng là Window nên click tải về bản Windows 64-bit luôn. Còn bạn nào dùng Macbook thì nó hiện cho tải theo macbook nhen.
Hoặc dùng trực tiếp trên web được luôn nhen. Uây quá ngon và tiện khi ngay trên website vẫn thao tác kiểm thử API được.
Mà An thì hay tải về máy dùng nó nhanh hơn chút và chắc là ổn định hơn bản web 😄
À các bước cài đặt Postman vào máy tính thì rất dễ dàng chỉ cần bạn nhấn Accept cho tất cả các bước theo gợi ý rồi Login tài khoản đã tạo bên trên là xong Finish luôn.
✅ Lưu ý nền tảng Postman trên web và tool
Các bạn lưu ý là Postman lúc bấy giờ là nền tảng, nên nó có thể sync data và thông tin tài khoản với nhau giữa web và tool cài vào máy. Nên chúng ta làm việc song song trên cả 2 môi trường đều được sync ngay lập tức.
Và điểm cần lưu ý nữa là những thiết lập nâng cao về tài khoản thì cần thao tác trên web thay vì trên tool.
Anh Tester
Đường dẫu khó chân vẫn cần bước đi
Đời dẫu khổ tâm vẫn cần nghĩ thấu